Vùng Trà đặc sản Shan Tuyết - Suối Giàng

cay_che_suoi_giangChè Suối Giàng cũng mang nhiều vinh dự lắm. Khi mà lãnh đạo Yên Bái và Bộ NNPTNT biết tính đến thương hiệu hạt gạo Mường Lò, thì chẳng có cớ gì họ không quan tâm tới cây chè Suối Giàng “độc nhất vô nhị” của nước nhà. Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò – khi mà gạo Mường Lò đang tiến tới lập thương hiệu “Cô gái Mường Lò” thì cũng là lúc tăm tiếng chè Suối Giàng được cả nước quan tâm lo lắng.

Người ta bắt đầu bàn thảo về thực trạng “Thương hiệu Chè Suối Giàng: chưa xây đã mất” (tên một bài viết do TTXVN phát hành). Mà tiếc cũng phải. Chè Suối Giàng đúng là danh bất hư truyền.chetuyet4

Câu chuyện về những búp chè tươi to như búp đa phủ một lớp lông to nõn; khi chế biến rồi, búp chè vẫn câu móc, to ngẫy; thân búp chè sau chế biến vẫn phủ một lớp tuyết trắng đục, óng ánh, thơm ngào ngạt thì nhiều người đã biết. Nhưng đúng là ít người có cơ hội được thưởng thức thứ đó.

Bởi (xin nhắc lại), có một thời kỳ dài, đường sá quá hiểm trở, chè Suối Giàng ít có cơ hội về xuôi. Lại thêm những ngày chè mất giá, bà con không bán được đành bỏ rừng chè hoang hoá.

Cây chè xanh um, càng tốt tươi thì búp chè càng lười nảy. Nhiều người tâm huyết với chè Suối Giàng đi dọc rừng chè mà ruột buốt như dùi đâm. Con bò, con dê đi loanh quanh trong rừng chè; ngóc cổ nhìn cây chè vươn cao nhưng cũng chẳng có cách nào vặt được lá chè xuống ăn.

Những người Mông suốt đời sống dựa vào cây chè hết kế sinh nhai, cũng chẳng thạo trồng lúa nương nốt, bà con bảo nhau sang mỏ vàng tít bên Văn Yên đào đãi rồi vàng đâu chẳng thấy, chỉ thấy vàng mắt vàng da khổ sở.

Lại thêm nạn di dân tự do tàn phá cả những triền rừng huyền thoại của Suối Giàng xanh. Một chuyên gia về chè của Liên Xô từng tôn vinh chè Suối Giàng như sau: “Chè Suối Giàng có đầy đủ hương vị của các loại trà ngon trên thế giới”. Và, họ cũng ngạc nhiên với lối chăm sóc và chế biến chè hoàn toàn thô mộc của người Suối Giàng.

Có khi đàn khỉ nhỏ chí choé leo cây hái chè, chè tươi được khỉ ném vào quẩy tấu rồi ngay lập tức được rinh lên lưng ngựa thồ về bếp chảo của người Mông chế biến trong sương mù đỉnh núi. Vào mùa chế biến chè, Suối Giàng thơm ngào ngạt, mùi chè lá chè búp bị chín ngẫu mềm bởi sức nóng của chảo gang, củi lửa gỗ rừng.

Nhựa chè thơm chan chát, quyến rũ đến mức đi trong hương mùa vụ của chè, người ta đã có cảm giác đáy họng mình cũng có vị chan chát, ngầy ngậy. Đúng là một thứ chè rất được nước, rất nịnh hương, uống xong rồi dư âm của thứ hương rừng sắc núi ấy vẫn cứ lưu mãi nơi đầu lưỡi.

Chè Suối Giàng xịn bán tại Thủ đô lên tới tiền triệu/kg. Ngồi trong phòng điều hoà tránh bụi bặm phố phường mà người thưởng thức cầm cái chén sứ nung thật già lửa như vẫn thấy được khói bếp của căn nhà gỗ lợp pơmu, thấy được sương mù âm u phủ từ đỉnh Chông Páo Mùa của Suối Giàng kéo về với phố xá.

Sương khói mịêt rừng về phố cùng với những búp chè câu móc phủ một lớp lông tuyết mỏng tang ấy. Bạn tôi khi ấy lại hít một bầu ngực đầy khói sương chén trà shan tuyết Suối Giàng, vị chát ngọt của chén chà như khêu máu lãng du về những chân trời núi tiếp núi trong anh.

Đầu còn xanh mượt mà anh ta đã mê những miền chè cổ vùng cao phía Bắc Việt Nam như điếu đổ, như là một người xế bóng tóc nhuộn khói sương già.

Hắn gõ vào cái đầu ngưu ẩm của tôi mà rằng: “Kiếm được trà shan tuyết Suối Giàng uống đã là tuyệt cú mèo. Nhưng anh nào lười vặn vòi nước máy toàn mùi cờ-lo (cl) ở Hà Nội là coi như hỏng hết cả cơm rượu.

Tra_ph_quyMột là dùng nước đá ong vùng trung du, hai là dùng nước mang từ Tập Lăng, Giàng Cao của Suối Giàng xuống đây thưởng trà, thế mới là hảo hạng”. Hắn nói rồi vỗ đùn đen đét, tôi trông mà lại chớt nhả: trông mày mới đúng dáng của cái thằng ngưu ẩm (uống chè như trâu uống nước) – chứ cây chè shan tuyết cao vòi vọi thế, trâu ngựa nào vít xuống mà ăn được để làm món trảm mã (hay trảm ngưu) trà cho nó uống?

Tuy nhiên, thì buổi nhiều người sành sỏi như hiện nay, cái việc cõng nước, cõng ấm, cõng trà từ những xứ sở xa xôi về để thưởng, tưởng cũng là một việc tốt đẹp. Và có văn hoá. Đó là cơ hội toả hương sắc cho Suối Giàng chứ sao. Cũng như năm trước 2003, có cái cô chủ khách sạn ngoài thị xã Nghĩa Lộ đã táo bạo mang 10 đấu gạo nếp Tú Lệ (nếp ngon đệ nhất nước ta, trồng ở cánh đồng Bản Phạ, xã Tú Lệ, cùng huyện Văn Chấn, cách xã Suối Giàng của chè shan tuyết 60km); gạo cùng với 60 gáo nước của chính Tú Lệ được đem về thẳng Hà Nội dự liên hoan ẩm thực mọi miền (tổ chức tại Công viên nước Hồ Tây).

Họ còn cõng thêm dăm bảy bó lá rừng, gạo nếp và nước Bản Phạ nấu lên; vò lá rừng ra, mỗi thứ lá lẩu tạo ra một màu sắc nguyên thủy thiên nhiên của đĩa xôi ngũ sắc. Xôi ngũ sắc, món ăn tuyệt kỹ truyền thống của người Thái qua tay người cõng lá rừng, nước rừng, gạo rừng Bản Phạ ấy đã đoạt ngay huy chương vàng danh giá. Tôi nghĩ, nếu có anh nào ngẫu hứng như thế với chè Suối Giàng, cũng nội trong cái liên hoan ẩm thực đó thì nhất định giành cái huy chương vàng nữa về khoản “ẩm” (còn “thực” thì để xôi ngũ sắc Tú Lệ chiếm nốt).

Tôi nhớ mãi cảnh anh Vàng A Sênh chỉ ngược lên ngọn núi Chông Páo Mùa tự tin: từ Mường Lò nhìn lên, núi Chông Páo Mùa vòi vọi. Theo tiếng Mông, nó là viên ngọc của dòng họ Mùa. Hòn ngọc quý với những thân chè cổ thụ, rêu bám xanh kín vòng quanh gốc, với rừng nguyên sinh Tập Lăng nhiều gốc pơmu cổ thụ mấy trăm năm tuổi.

thieu_nu_Hmong_hai_cheNhiều gia đình người Mông thu mấy chục triệu một năm chỉ nhờ mỗi một việc là leo lên cây chè vặt búp cõng ra phân xưởng chè bán thẳng cẳng! Có ngày, riêng bà con ở xã đã “xuất” tới 10 tấn chè búp tươi, thế thì gì mà chẳng giàu lên.

Người ta dùng bếp ga để xao chè, sướng quá. A Sênh cũng cưỡi xe máy để đi xuống chợ. Buổi sáng ra, sương chưa tan hết, A Sênh cưỡi xe Win đi chợ thị xã Nghĩa Lộ đánh vèo hơn nửa tiếng đồng hồ đã vượt qua được ngòi Thia. Lúc ấy, sương vẫn ngậm mặt trời, vợ A Sênh phóng tầm mắt xuống thị xã, vẫn chưa kịp nhìn thấy ngòi Thia êm chảy. Thì A Sênh đã phành phạch nổ xe máy về đến cổng nhà rồi. Xã có tới hàng trăm hécta chè tập trung mới trồng. Cũng là cái giống chè biết ủ sương mù mà vươn mình lớn dậy ấy.

“Thời mới có khác” – A Sênh bảo. Trước, khi cán bộ mấy chục người cầm lạt vào rừng cả tháng trời để đếm các gốc chè to, bấy giờ toàn đi bộ. Bắt đầu từ chân núi dưới huyện lỵ Văn Chấn, chỗ nào cũng đi bộ. Xưa, xưa lắc lơ, Văn Chấn thuộc khu tự trị Thái – Mèo (cũ) cơ mà.

Đó là vào đầu những năm 1960, hơn chục cây số từ huyện lị thôi sao mà độ ấy Suối Giàng mông muội xa xôi như vì sao trên trời. Người dưới chân núi, mỗi đêm trời quang trông lên trời thấy ánh đèn le lói lại bảo nhau, người Mông của dãy Chông Páo Mùa sống ở trên đó đấy. Xa lắm, một thế giới diệu vợi khác ở trên đó. Mãi đến năm 1968, nhà nước đã cho khai sơn phá thạch mở đường ngược núi lên Suối Giàng.

Đường khảm trên đá hộc, nhưng dẫu sao cũng vẫn là đường, có đường vẫn hơn là không. Người Suối Giàng bấy giờ nguyên sơ, bố con lên rừng nổ súng kíp đì đoàng bắn thú về ăn. Bố con hè nhau vác cây xà beng bự ra kỳ cạch buộc da trâu vòng quanh một mũi dùi rồi cứ kỳ quạch ngày qua ngày khoan lỗ sâu mấy chục xăng-ti-mét dọc thân xà beng để làm nòng súng.

Cả bản bảo nhau đẵn cây pơmu dầu to nhất về dùng nêm tách ra làm ngói (nhất thiết phải tách theo thớ tự nhiên của gỗ thì nước mưa mới không thấm qua gỗ được), chỗ thừa vun cả lại chia cho bà con chẻ ra để xó nhà làm đóm nhóm lửa. Pơmu dầu cháy rất đượm. Ngói pơmu lợp lên mái nhà, khói, sương có thể uốn éo luồn qua, luồn vào rất thơ mộng.

Nắng thì ngói gỗ cong vênh lên, kẽ mái hở ra toang hoác cho ánh mặt trời xuyên mây vào trong nhà. Nhưng hễ trời ỉu, mưa bắt đầu rơi, ngói gỗ lại tự động cụp xuống, bảo đảm căn nhà hơn trăm mét vuông lòng nền không bị giột một hạt nước bao giờ. Cả xã, hễ có ai nằm xuống bên cỗ quan tài pơmu là súng kíp được nhồi đạn ghém nổ giòn. Ngay từ thời bấy giờ, số phận cây chè shan ở Suối Giàng đã được người Pháp quan tâm. Bố đẻ của Giàng A Đằng - đương kim chủ tịch UBND xã Suối Giàng hiện nay, cụ Giàng Nhà Lử còn được chứng kiến cảnh bà cụ đẻ ra mình đem chè móc câu xuống núi bán cho người Pháp.

Chè được xao bằng chảo gang gia truyền. Bà cụ cho nổi lửa liu riu rồi vuốt tay dọc đáy chảo để dùng thịt da mình nghe độ nóng của chảo. Bà xoa tay vào đám chè lơ phơ trong chảo gang mà biết rõ lửa già lửa non, biết rõ chè sẽ ra hương vị gì khi đem bán. Biết rõ sương mù ngậm tán chè như mùa này thì giá chè sẽ bán được là bao nhiêu.

Cái thời hoang sơ ấy dần qua. Có lẽ, ông Vũ Sửu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái là người nặng lòng nhất với khát vọng làm du lịch văn hoá, sinh thái ở Suối Giàng. Cái dự án táo bạo tới mức trồng cả pơmu ở Suối Giàng ấy có giá trị lên tới 150 tỷ.

Ngành văn hoá Yên Bái đã và đang điền dã tập hợp tư liệu phục dựng lại lễ hội đua ngựa đẫm đầy tinh thần thượng võ của người Suối Giàng – mừng quá. Nhiều chuyên gia, nhiều cán bộ các cấp ngành đã lên tận Suối Giàng sống, nghiên cứu tập tính của cây chè già đỉnh núi rồi lập phương án nâng cao chất lượng, năng suất đối với cây chè cổ nơi này.

Người ta còn tính đến cả nước táo tợn: có nhất thiết phải để cây chè cao vòi vọi thế này để cứ phải nhớ đến những ngày huấn luyện khỉ leo lên hái chè không? Hay là đốn chè đi để được nhiều hơn những búp chè lông lá to như búp cây đa lông Bắc Bộ? Có không ít chị phụ nữ người Mông leo lên cây chè hái rồi ngã. Có chị ngã xuống lùm rừng rậm, bị gốc chè đâm phập vào mông phải đem đi viện cấp cứu. Bản Giàng B có anh leo lên cây chè giẫm phải cái cành khô ngã gẫy xương sườn.

Chủ tịch xã Giàng A Đằng, sinh năm 1964 còn nhớ y nguyên ngày Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm Suối Giàng và chụp bức ảnh lịch sử bên cây chè cổ thụ ở bản Pang Cáng. Bức ảnh đó sau này trở thành biểu tượng của vựa chè shan tuyết cổ thụ Suối Giàng. Cây chè có tán khổng lồ, “chi chít” người đứng xung quanh! Tiếc thay, cây chè đó nay đã chết vì già, vì sâu đục thân. Một anh người Mông đã vác búa bổ cây chè khổng lồ ra làm củi.

Tại phòng truyền thống của UBND xã Suối Giàng hiện nay có lưu giữ bức ảnh kể trên, cùng một vài bức ảnh - giấy tờ liên quan khác. Chủ tịch Giàng A Đằng đưa tôi xem một “công hàm”, viết rõ: “Vùng đồng bào Mèo (nay gọi phổ biến là người Mông - PV) xã Suối Giàng, Văn Chấn, Nghĩa Lộ (bấy giờ Nghĩa Lộ là một tỉnh) có nhiều chè ngon từ 2-3 trăm năm nay chưa được khai thác. Ngày 15/7/1961, anh hùng thương nghiệp Nguyễn Tuấn Anh cùng các đồng chí cán bộ thương nghiệp địa phương đi sâu, phát hiện loại chè này và hướng dẫn đồng bào khai thác chế biến. Chè này phẩm chất rất tốt. Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh Nghĩa Lộ. Cầm Ngoan".

Bức ảnh nữa, đề ngày 9/9/1962, chụp Phó Thủ tướng Phạm Hùng (bên phải ảnh) cùng một đồng chí cán bộ xoài người ôm quanh một gốc chè - để thấy cây chè to tới mức nào!

Có rất nhiều chuyện để lan man cùng vùng đất quyến rũ Suối Giàng. Dòng Suối Trời của thượng giới đánh rơi này cứ trôi lan man giữa rừng già, sương mù, màu xanh lá rừng và sải cánh nâu vòi vọi của những con đại bàng núi.

Đến một ngày, Giàng buồn bã nhận thấy con Suối mến thương của mình bị kim tiền hạ giới làm cho vẩn đục.

Mỗi lần đứng trên núi cao nhòm xuống cái xí nghiệp chế biến chè đặt sát vách UBND xã Suối Giàng với những ống khói cũ càng như một lâu đài cổ Âu Châu, tôi lại thêm mừng bởi người kinh doanh xứ sở từ mấy mươi năm qua đã biết đến giá trị riêng có, trội nổi, đặc sắc của chè Shan Tuyết Suối Giàng.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (theo VTC.)

Đăng nhập

Sản phẩm Trà

Địa chỉ tại Hà Nội

Công ty cổ phần quốc tế BMG

contact-map533 A - Bạch Đằng - Chương Dương - Hà Nội

contact-phone(+84)4 35577645

Who's Online

Đang có 10 khách và không thành viên đang online